Đến Nizwa một ngày có nhiệt độ 40°C vào ban trưa, bạn sẽ có cảm giác vừa chữa lành vừa chữa rách.
Ở nơi này, ta dễ dàng tìm thấy những mảng tối mảng sáng được nhuộm màu bằng ánh nắng vàng mật, và chúng gây ấn tượng cho ta từ sự đơn giản diệu kỳ.
Với một người bình thường đang chăn ấm nệm êm, việc bỗng dưng chui đầu vào nơi sắp sửa đạt 40°C vào buổi trưa quả không phải là một kế hoạch thú vị, tuy nhiên chí ít những tấm hình về Nizwa trên mạng khiến mình có thêm chút hào hứng cho công cuộc săn ảnh lần này.
Mình bắt taxi sớm từ Muttrah đến trạm Azaiba để kịp chuyến bus Mwasalat liên tỉnh về Nizwa khởi hành lúc 8 giờ sáng. Giá vé là 2,5 OMR, và điều khá bất ngờ là bạn phải trả bằng thẻ, không phải bằng tiền mặt, dù mua vé ngay tại trạm. Người bán vé nom hào hứng khi thấy mình là người Việt hiếm hoi giữa những vị khách chủ yếu là dân lao động Nam Á và một số sinh viên bản địa, tỏ lòng cũng muốn đến thăm Việt Nam một ngày nào đó.
Sau ba tiếng ngồi xe mát mẻ và có wifi, băng qua những rặng núi đá trùng điệp nóng ran của Dãy Hajar với những hàng cọ lấp ló dưới chân núi, mình được thả xuống giữa Nizwa tại Cầu bộ hành Saal. Chớ nên nhầm lẫn với một trạm khác là Firq (Nizwa) cách khá xa trung tâm du lịch; tuy vậy từ trạm Firq bạn có thể bắt chuyến về Muscat lúc rạng sáng hoặc tìm shared taxi tại đây.
Vâng, Nizwa đã đón mình bằng cái nắng của thung lũng núi đá cực gắt vào giữa trưa.
Nhưng mình biết bầu không khí này, chiếc vibe này, khi xe taxi len lỏi qua những con hẻm để về khách sạn, chính là nhân tố gây kích thích trí tò mò không thể lẫn đi đâu được, tựa như hồi đi Khiva vậy.
Nizwa đã ghi điểm trong mắt mình ngay từ đầu khi những vị chủ homestay IHYAA thân thiện mời mình món chà là và trà nóng rồi đưa mình tới căn phòng cực kỳ xinh xắn, hầu như ngăn cách con người khỏi thế giới và cái nóng ngoài kia.
Mình bắt đầu hành trình khám phá đô thị cổ này từ 3 giờ chiều, khi hầu như mọi người đang trú ẩn đâu đó trong những căn nhà mát mẻ, chỉ còn lại những con phố yên tĩnh phủ đầy nắng.
Không thể phủ nhận những con hẻm nhỏ ở Nizwa, với những vách tường vàng đất và những nhành hoa xinh xắn từ các tiệm cà phê và cửa hàng, đã khiến người du khách như bị thôi miên và quên đi cái nắng đổ lửa lúc này. Mỗi góc đường là một món quà bất ngờ chờ đợi người bộ hành bước tới và phát hiện ra chúng.
Ta sẽ thật chậm rãi đi bộ qua những hàng cột đổ bóng của khu chợ Nizwa Souq, thử bước qua những mái vòm để lọt chân vào một thế giới nhỏ ẩn đằng sau nó khiến ta òa lên thích thú. Ta cũng được chiêu đãi thị giác với những món đồ lưu niệm, những chum đất Oman bụng tròn duyên dáng, những cửa hàng hương liệu và đồ khô cũng như những tiệm vải dệt đầy màu sắc.
Vẻ đẹp của Nizwa đến từ sự đồng nhất, khi ta thấy hiếm có dấu vết xô bồ nào của cuộc sống hiện đại có thể chen chân vào đây. Chắc chắn người dân địa phương đều khá giả, nhưng họ chọn một nhịp sống từ tốn, ngay cả việc di chuyển cũng bằng những chiếc xe cub cổ điển, nhỏ xinh và chậm rãi.
Mình nghĩ mình thích những mảng tối mảng sáng được vẽ nên bởi nắng và những hình khối kiến trúc sắc nét, rõ ràng. Nhắc đến câu chuyện chu du ở một xứ sở Hồi giáo, ta không bao giờ thiếu những tấm hình như vậy.
Bạn không thể không thấy Pháo đài Nizwa (قلعة نزوى) với kiến trúc hình trụ tròn đứng sừng sững một góc thành cổ, cạnh khu chợ Nizwa Souq và Thánh đường Jamea Al-Qala’a. Với giá vé 5 OMR, mình nghĩ đây là một cái giá hời để có được rất nhiều góc máy đẹp và cả một bồ thông tin lịch sử văn hóa hữu ích.
Mọi sự đều khớp kế hoạch, và mình dám chắc sẽ có những bức ảnh đẹp gia nhập bộ sưu tập hoàng hôn.
Người chụp hình đã bị hớp hồn ngay từ lối vào pháo đài, nơi mà những chiếc cổng vòm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khung, bố cục và mảng sáng tối cho những tấm ảnh.
Giờ là lúc ta đóng vai những người lính canh khi xưa, leo trên những bậc thang để đến đài vọng: từ đây bạn có thể thấy những mảng xanh mướt của các vườn cọ trù phú ở Nizwa cùng những lớp núi non thuộc Dãy Hajar bao bọc thành phố.
Và hoàng hôn trên những vùng đất khô cằn luôn mang một vẻ đẹp khó nơi nào sánh bằng, với ánh nắng vàng như rót mật, từ từ cả một vùng trời sẽ diện lên những sắc cam và tím sặc sỡ.
Khoảng thời gian mát mẻ ngắn ngủi buổi sáng là lúc lý tưởng để mình có thể khám phá những con hẻm mà ta không hề biết tên - chúng dẫn ta đến những khung cảnh hoặc bất ngờ, hoặc rất đỗi giản dị.
Từ cảnh những đứa trẻ chờ được xe đưa tới trường, hoặc tụi lớn hơn sẽ đi trên những chiếc cub…
…cho đến cảnh đàn chim đập cánh giữa bầu trời xanh trong,
…hay là ánh bình minh phả trên vai áo và những nhánh cọ,
…và những lối hẻm tựa như trong một màn game:
Ở xứ sở khô nóng vào mùa hè này, buổi tối chính là lúc mọi người ùa ra đường khiến cảnh vật trở nên sống động hơn nhiều lần. Mình là đứa Đông Á xa lạ lọt thỏm trong những tốp người đi dạo qua lại, bận trang phục Hồi giáo kín đáo và đồng nhất.
Thật ngạc nhiên khi ta thấy những tốp phụ nữ Hồi giáo cũng mê chăm diện và thích những điều nữ tính như mọi nơi khác - tiệm hoa và tiệm hương liệu luôn thu hút họ nhất.
Đông nhất vẫn là những tốp đàn ông Oman đi dọc nẻo đường, họ có thể là dân bản địa hoặc là những nhóm bạn từ nơi khác tới thăm thú, đầu đội chiếc nón kuma (كمة) truyền thống. Không quá ồn ào, tuy vậy, nhịp sống về đêm sôi động này cũng đủ để len lỏi vào căn phòng khi mình ngắm cảnh phố qua ô cửa sổ gỗ.
Trái với tại phương Tây hay Hàn Quốc khi việc chụp ảnh người trên phố là một điều khó khăn nếu xét đến khía cạnh riêng tư, người dân bản địa (cụ thể là nam giới) rất thích tạo dáng trước máy ảnh của mình. Gần như mọi nơi, từ ông lão chủ tiệm ở Souq cho đến mấy tay thanh niên băng phố trên xe cub.
Mình có thể thấy họ kín đáo, không hào nhoáng phô trương nhưng cũng thân thiện với người lạ. Ở đây ta không hề sợ bị scam, chèo kéo như những địa điểm du lịch nổi tiếng, và chỉ nội điều này thôi đã làm ta không ngần ngại mà chấm họ điểm 10. Mình sẽ nhớ về ông chủ cửa hàng tiện lợi duy nhất ở khu phố cổ mời mình chà là và cà phê, tài xế giao hàng Talabat chạy hẳn 7km từ Firq để đưa túi đồ ăn trưa bé xíu, hay vị khách hướng dẫn tận tình cách bắt shared taxi ở Nizwa.
Ta có thể ngồi thong thả tại một cửa hàng ăn ngay lối vào thành cổ cạnh Souq và dùng món kebab, giải khát bằng cốc nước chanh không đường chua lét, ngắm những đoàn người từ châu Âu qua lại giữa cái nắng hè, da đỏ ửng; hay có thể là tạm dừng chân và thưởng thức trái dừa Salalah hình thù khá kỳ dị nhưng thanh ngọt ở chợ. Chúng đều là những khoảnh khắc tuy bình thường mà khó quên ở thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp này.
Bài viết này là một phần của series Oman.
Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
Có những điều mà ánh mắt mình chỉ cần chạm một giây là mình sẽ ngẩn ngơ và nhìn đi nhìn lại nó không biết bao lần mới dứt.