Một thành phố với đặc trưng là những góc lờ mờ thiếu sáng và những bảng hiệu có phần hỗn loạn.
Những tòa nhà chọc trời làm bởi bàn tay con người hiên ngang giữa bầu trời giông bão.
Mình dự định đến Đài Bắc (臺北) để tập dượt cho chuyến đi tiếp theo đến Nepal vào tháng 10 cùng năm. Gần một năm sau chuyến du lịch trước, điều cần thiết trên hết là xem xem mình có đánh rơi kỹ năng du lịch nào không.
Đúng như dự liệu, Đài Bắc chào đón mình bằng một bầu trời âm u; không có gì bất ngờ khi biết rằng thành phố này có mưa tới 165 ngày trong một năm.
Vì lẽ đó mà mấy tấm ảnh đầu tiên ở Đài Bắc trông cũng u ám không kém, mình dùng một filter phù hợp là chỉnh cho ảnh hơi ngả xanh lá.
Thứ đầu tiên mình nhận thấy là đường phố có rất nhiều xe máy nhưng không hỗn loạn như ở Việt Nam. Việc đi bộ qua đường tất nhiên cũng dễ hơn gấp nhiều lần.
Đây là một vài pô ảnh chụp trong lúc mình lang thang trên những con phố ngẫu nhiên ở Đài Bắc. Hãy chú ý đến những bảng hiệu đặc trưng và những mặt tiền ốp gạch không được giữ sạch lắm, nó khiến cho những thành phố như Đài Bắc hay Hồng Kông có một phong vị châu Á cổ kính không lẫn vào đâu được.
Nhà nghỉ của mình ở gần Nhà ga Trung tâm Đài Bắc, từ đó đi vài bước chân có thể tới một số địa điểm nổi tiếng, những nơi xa hơn thì chỉ cần lên tàu điện Đài Bắc là xong. Thứ lỗi cho mình vì mấy tấm ảnh chụp lúc này không được phơi sáng tốt do thời tiết khá tệ.
Lịch sử hiện đại Đài Loan gắn liền với Tổng thống lĩnh Tưởng Giới Thạch (蔣介石), cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, vì vậy sẽ tốt hơn nếu bạn tìm hiểu thông tin về ông ấy trước khi đến đây. Quảng trường Tự Do (中正紀念堂廣場) bao quanh khu tưởng niệm là một không gian rộng mở để bạn có thể phóng tầm mắt lên bầu trời không bị che khuất. Cũng tại nơi này, ở hai cánh chính là Nhà hát Quốc gia và Nhà hát Kịch Quốc gia.
Mưa trở nên nặng hạt nên mình chỉ có thể lướt nhanh qua các tòa nhà; tuy vậy cuộc sống trên những con phố lại có sức thu hút hơn đối với mình.
Mình cuốc bộ lên núi Tượng Sơn (象山), một địa điểm dành cho các nhiếp ảnh gia hứng thú với việc chụp các tòa nhà chọc trời ở Đài Bắc. Gậy leo núi, tripod và dù đã sẵn sàng, chỉ là thời tiết không chiều lòng người lắm.
Cơn mưa phùn khiến cho các bậc thang dẫn lên đài quan sát trên đỉnh Tượng Sơn trở nên trơn trượt. Mình không ngại đi bộ hay leo trèo, nhưng với một tay cầm dù, chuyến đi sẽ tốn thời gian hơn bình thường. Sẽ càng khó hơn nữa để xoay trở khi bạn còn phải mang máy ảnh và tripod cồng kềnh.
Đây là kết quả của việc chờ đợi 3 tiếng đồng hồ với người ngợm ướt sũng, lúc đầu mình lo rằng mấy tấm ảnh sẽ không ưng ý lắm, nhưng sau hậu kỳ thì vẻ đẹp tiềm ẩn của chúng cũng đều hiện lên.
Hoàng hôn thật đẹp thậm chí khi bị bao phủ che mờ bởi những làn mây dày. Bằng cách nào đó những tia nắng tà dương vẫn tìm được cách khuếch tán hòa vào trong không gian.
Thành quả tuyệt vời nhất chính là việc mình đã chụp được hàng ngàn ánh đèn neon của thành phố khi màn đêm buông xuống.
Ngày thứ hai ở Đài Bắc, nói đúng hơn là Vùng đô thị Đài Bắc bao gồm Tân Bắc (新北), được lấp đầy bằng nhiều hoạt động. Thực sự là một ngày du lịch đúng kiểu ba-lô đi muôn nơi. Từ Đài Bắc mình đi xe bus tới Dã Liễu (Yehliu), rồi từ Dã Liễu đi tới Cửu Phần (Jiufen) qua ngả Cơ Long (Keelung) và rồi trở về Đài Bắc, tạo thành một cung đường hình tam giác. Mỗi chuyến xe bus sẽ mất khoảng 2 - 3 giờ chạy và chúng khá là dễ chịu, đặc biệt khi xe di chuyển qua những con đường phong cảnh đồi núi.
Mình là một người điển hình cho việc chú trọng những nơi ít tiếng tăm và tự nhiên hơn là những khu du lịch nhân tạo, vậy nên Công viên địa chất Dã Liễu (野柳) thực sự là một lựa chọn đúng đắn.
Sự hình thành địa chất ở Dã Liễu là một quá trình kéo dài hàng ngàn năm đã tạo nên vô số những khối đá hình nấm trổ lên trên mặt biển. Chúng rất hút mắt và là chủ thể lý tưởng cho những góc chụp siêu rộng. Một địa danh tương tự là Mũi Đá Vòi Voi Thâm Áo (Shen’ao - 深澳象鼻岩) ở gần Thụy Phương (Ruifang - 瑞芳).
Dã Liễu nên được quan sát bằng đôi mắt rộng mở hay ống kính góc rộng. Đây là lý do tại sao.
Trên thực tế nơi này khá đông người vì nó là địa điểm dành cho các đoàn khách theo tour, đặc biệt là khách Hàn Quốc vào thời điểm đó (mình nghe phong thanh những cuộc trò chuyện bằng tiếng Hàn khi đi khắp cái công viên).
Tại lối ra sẽ có một khu chợ nơi bạn có thể chiều cái bụng với những đặc sản địa phương, mình ra đó vừa đúng lúc giờ ăn trưa.
Từ Dã Liễu bạn có thể lên xe bus để tới Cửu Phần (九份), đổi tuyến tại Cơ Long (基隆). Mình thấy Cửu Phần là một sự hòa trộn của hai nơi mình từng có dịp lui tới là Cinque Terre và Phượng Hoàng: một thị trấn cổ cheo leo trên sườn núi có tầm mắt hướng ra biển. Thị trấn này khá nhỏ nếu so với hai nơi trên, nên nửa ngày có lẽ là đủ để khám phá hết.
Tuy gọi là cổ nhưng kiến trúc thì không cổ lắm, định nghĩa về sự ‘cổ’ có lẽ đến từ những giá trị lịch sử và văn hóa nơi đây. Hai điều phải làm đối với du khách ở Cửu Phần là, trú tại một tiệm trà có view tuyệt đẹp hướng ra biển, hoặc ăn những thức quà bản địa dọc phố Jishan.
Mọi cửa hàng trên phố này đều có mái che mưa và trang trí bằng đèn lồng đỏ. Không gian hẹp nhưng ấm cúng của con phố thực sự tuyệt vời cho các cặp đôi đi dạo thư thả và trở về nhà với đầy ắp kỷ niệm thân mật.
Những ngôi nhà duyên dáng khi nhìn từ trên cao nom y hệt mấy món đồ chơi mô hình mà tụi nhỏ thường mơ tới.
Khoác tấm áo sương mờ, khung cảnh tạo nên một ấn tượng kỳ ảo đối với mình; dù gì đằng sau Cửu Phần cũng là một khu nghĩa trang.
Mình cứ đi đi lại lại dọc con hẻm chỉ để cảm nhận cái hương vị của một nơi xa lạ, ăn một cây xúc xích nướng hay một miếng tàu hũ thối khiến mình - kẻ đi bụi cô đơn - thấy ấm áp.
Nếu mình không nhầm thì, chủ đề về những chiếc dù trong hành trình chụp ảnh của mình chính là bắt đầu từ Cửu Phần.
Ngược với chuyến xe không chút mệt nhọc từ Dã Liễu, mình đã phải xếp hàng rất lâu để có thể chen lên xe bus về Đài Bắc. Không có biển hiệu bằng tiếng Anh nên mình phải dò la những người đồng hàng xem có phải xe sẽ về Đài Bắc không.
Mình còn nửa ngày để thăm thú Đài Bắc, từ trung tâm tài chính Tín Nghĩa (Xinyi - 信義) nơi có tháp Taipei 101 và từ Đài Tưởng niệm Quốc gia Tôn Dật Tiên (國立國父紀念館) đến Bắc Môn - Beimen (臺北府城 北門) gần nhà nghỉ của mình. Trong chương trình cũng không thể thiếu món trà sữa Đài Loan nổi tiếng và đồ ăn chế biến sẵn mua ở 7-Eleven.
Mưa lại rơi. Nhưng nó không thể cản trở mình được.
Khoảnh khắc mình phải trú dưới Bắc Môn giúp mình có cơ hội ngàn vàng chụp bức ảnh đáng nhớ này. Trong mỗi tình huống, chúng ta đều có thể thấy cơ hội phía sau nó.
Bài viết này là một phần của series Đài Loan.
Viết vào tháng 4 năm 2019 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Tuý Âm” bởi Xesi × Masew × Nhật Nguyễn
Mình sẽ giới thiệu một bài hát Việt ma mị quen thuộc - đó là Túy Âm. Bài hát này đứng đầu bảng xếp hạng vào khoảng thời gian đó, thật hợp với tách trà nóng trong một ngày mưa.