Delhi, Tháng 5, 2022

Ấn Độ

Tiếng ồn, khói mù và mùi gia vị hòa quyện thành dấu ấn của Delhi, vào một ngày hè nóng bỏng.

Chawri Bazar

Nơi đây giống như một nồi hơi áp suất được thêm nếm gia vị bụi bặm và mùi hôi. Không dành cho người bị áp lực, nhưng cho những ai muốn cuộc sống áp lực hơn.

Mình chia tay anh tài xế và Ladakh trong một buổi sáng huy hoàng tại sân bay Kushok Bakula Rimpochee và khởi hành về Delhi trên chuyến bay của hãng SpiceJet. Đó là những khoảnh khắc cuối cùng tại vùng đất của gió băng và khí loãng, và mình cứ tưởng là đã chuẩn bị tinh thần cho việc đương đầu với một vũ trụ hoàn toàn trái ngược ngay trên đất Ấn Độ.

Tại sân bay Kushok Bakula Rimpochee
Tại sân bay Kushok Bakula Rimpochee

Hạ cánh tại Delhi

Với kinh nghiệm sống nơi 38°C lúc mùa khô ở Việt Nam, và trải qua một khoảnh khắc 45°C ngắn ngủi khi hạ cánh tại sân bay Muscat (Oman), mình vẫn còn bị sốc bởi nhiệt độ ở đây. Không phải, số chỉ nhiệt độ vẫn nằm trong ngưỡng chịu được, và mặc dù thành phố có diện tích rừng đáng kể với mật độ cây trồng cao dọc những tuyến đường duyên dáng của New Delhi, nó vẫn có cảm giác nóng cháy da.

Đường đến trung tâm Delhi Đường đến trung tâm Delhi
Đường đến trung tâm Delhi

Ban đầu, hành trình từ sân bay về khách sạn nằm ở Old Delhi gần nhà ga trung tâm (Paharganj (पहाड़गंज), nói một cách chính xác) thì rất nhanh lẹ và thoải mái khi giao thông hãy còn thông thoáng, còn những con đường thì được phủ bóng râm bởi những hàng cây xanh tốt giúp cách ly chúng khỏi bức xạ nhiệt. Nhưng càng tới gần khu phố cổ, những khía cạnh có phần xấu xí của thành phố đông đúc này dần hiện ra: kẹt xe hỗn loạn, tiếng còi xe và mùi khét lẹt, tất cả dường như đang cố gắng đánh bại niềm háo hức của vị khách mới đến.

Một góc tồi tàn

Paharganj là một khu vực phù hợp cho du khách ba-lô với nhiều khách sạn và cửa hàng, nằm gần nhà ga nhộn nhịp quá mức và khu chợ chính. Nếu bạn ưa sự thoải mái và tiện nghi sau những ngày ở chốn hẻo lánh như Ladakh, mình khuyên bạn nên đặt phòng ở New Delhi thì hơn. Về khách sạn của mình thì, mình không có bất cứ phàn nàn nào cả: được sơn màu vàng sáp, nó trông thật xinh xắn dưới ánh mặt trời. Mình chỉ muốn chạy ngay xuống dưới vòi hoa sen và tắm một cữ lâu nhất xưa giờ sau những ngày run mình trong nước.

Nắng hè ở khách sạn
Nắng hè ở khách sạn

Mình có vẻ bị điên khi bước ra khỏi căn phòng có điều hòa vào lúc 11 giờ, vào thời điểm này nhiệt độ ngoài trời đo được đã đạt mốc 39°C, để đi khám phá con hẻm bụi bặm trên đường Arakashan và tìm bưu điện gần nhất để gửi chiếc bưu thiếp, nhưng vô vọng. Dù sao thì, trong hoàn cảnh nào người chụp cũng có thể tìm ra được góc duyên dáng và những đặc trưng tại mọi nơi anh ấy đến. Những gam màu tiêu biểu là xanh lá và vàng, được phủ tràn ngập bởi màu sơn ngoại thất những chiếc xe lôi máy.

Paharganj bụi bặm Paharganj bụi bặm
Paharganj bụi bặm
Paharganj bụi bặm

Luôn phải tỏ ra quyết liệt khi trả giá với tài xế xe lôi. Họ luôn hét giá nên đi quãng đường chỉ vài cây số cũng mắc một cách hài hước. Đôi khi họ sẽ chở bạn lòng vòng làm cho cuốc xe dài hơn, đôi khi họ còn chẳng biết đường, tệ hơn cả việc bạn tra Google Maps.

Trong xe lôi Trong xe lôi
Trong xe lôi

Quảng trường Connaught

Mình đi xe lôi đến Quảng trường Connaught - điểm du lịch và mua sắm quan trọng ở New Delhi, cách khách sạn mình không xa lắm. So sánh giữa việc đi bộ dưới cái nắng gay gắt có scammer vây quanh và việc ngồi sau lái của một tài xế xe lôi không biết đường, cái thứ hai thực ra là lựa chọn khôn ngoan hơn.

Có hai điều thu được từ chuyến đi này: wifi công cộng miễn phí ở những nơi nổi tiếng như Quảng trường Connaught không tồn tại trên đời, và nơi đây tạo cho mình ấn tượng đầu tiên về phân tầng xã hội ở Ấn Độ: những người giàu trong các tòa nhà sang trọng mát lạnh, trái ngược với tầng lớp thấp hơn là dân lao động đường phố và người vô gia cư.

Một người phụ nữ ở Quảng trường Connaught
Một người phụ nữ ở Quảng trường Connaught
Loanh quanh Quảng trường Connaught

Rút cục, để tránh cái nắng nóng, mình ghé chân tại KFC và Starbucks - những hàng ăn với khẩu vị toàn cầu - và cứ nghĩ là Starbucks cũng sẽ có wifi miễn phí như bình thường chuỗi này vẫn áp dụng ở nơi khác, nhưng cũng sai luôn. Muốn có internet miễn phí thì phải qua bước kiểm tra hội viên hoặc phải có số điện thoại ở Ấn để chứng thực.

Hoàng hôn Old Delhi

Đã sau 3 giờ chiều, và đây là lúc nhiệt độ vừa lên mức đỉnh điểm 43°C trên đường. Một chuyến xe lôi khác, và lần này chạy xa tới Tổng bưu điện New Delhi. Từ nơi đây, nếu thời tiết tốt hơn, mình có thể đã thăm thú khu vực trung tâm hành chính của New Delhi, gồm có Nghị viện Ấn Độ, Bảo tàng Quốc gia hay Cổng Ấn Độ; tuy nhiên, chỉ việc đi đoạn ngắn từ đường Ashoka đến Patel Chowk thôi mà mình đã vã mồ hôi như tắm, mặc dù khu vực này có rất nhiều cây phủ bóng râm.

Đường Ashoka
Đường Ashoka

Lúc này mình có dịp đi thử thêm một hệ thống metro nữa, bắt đầu từ trạm Patel Chowk, đặt theo tên của Vallabhbhai Patel. Có đôi chút phiền hà mỗi khi ra vào nhà ga do phải đi qua cửa kiểm tra an ninh gắt gao, chẳng hạn như soi chiếu túi đeo, cứ ngỡ như đi sân bay vậy; tuy nhiên, nó vẫn sạch sẽ và an toàn hơn là cứ long nhong ngoài trời.

Trạm Patel Chowk
Trạm Patel Chowk
Chờ đợi ở sân ga

Từ Patel Chowk, đi thẳng hướng bắc để tới Chawri Bazar, Old Delhi sẽ nằm ở đây. Thật điên rồ khi phải luồn lách qua những con phố hẹp đầy hỗn loạn trong khu này, đặc biệt vào một ngày nóng, và đó là mình - một người đã từng trải qua những chuyến du lịch tương tự - cảm thấy thế. Mình không khuyến khích kiểu đi dạo bộ này cho bất kỳ ai mới đi lần đầu, đặc biệt là phụ nữ.

Đường Chawri Bazar Đường Chawri Bazar
Đường Chawri Bazar
Đường Chawri Bazar

Mọi người trông có vẻ thích cái việc hà hiếp cái nút còi xe, nhưng ô nhiễm tiếng ồn chỉ làm cho tình hình thêm tệ hơn thôi. Không khí thì bị bao trùm bởi thứ mùi khó chịu, và thật khó để phân biệt được những loại hương thảo mộc phổ biến như masala ra khỏi hỗn hợp trên. Bụi bặm bao phủ các tòa nhà và đường phố, trong khi dây điện thì đúng như mớ hỗn độn (không phải lưới điện). Lời nói này có thể được kiểm chứng bằng cách tìm video trên Youtube với từ khóa ‘đi bộ tại Chawri Bazar’; dĩ nhiên mọi thứ có thể sẽ trông tốt lên vào những mùa mát mẻ hơn.

Con đường dẫn đến Thánh đường Jama Con đường dẫn đến Thánh đường Jama
Con đường dẫn đến Thánh đường Jama
Con đường dẫn đến Thánh đường Jama

Ở cuối đường Chawri BazarThánh đường Jama, một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất Ấn Độ. Nó được xây dựng bởi Shah Jahan, và nhỡ đâu bạn không biết gì về ông ta, ông ấy chính là vị đế vương đã ra lệnh xây dựng Taj Mahal ở Agra, sau này là nơi chôn cất của chính ông và người vợ yêu dấu của ông.

Thánh đường Jama Thánh đường Jama
Thánh đường Jama

Theo kế hoạch ban đầu mình sẽ thử tới Pháo đài Đỏ (Lal Qila) - cũng được xây theo lệnh của Shah Jahan để làm nơi ngự của các vị hoàng đế Mughal, nhưng thời tiết và giao thông hỗn loạn khiến việc băng đường trở nên gần như vô vọng vào giờ cao điểm. Mình mua hai chai nước lớn để chiến đấu với cái sự ra mồ hôi không ngừng, nhưng chẳng khác gì việc đổ đầy một cái thùng không đáy. Kết cục là mình trở về metro và đi tới Cổng Kashmiri, sau đó về lại khách sạn ở trạm New Delhi.

Hoàng hôn nào là đẹp nhất? Nó xảy ra khi bầu trời bị khói mù làm cho mặt trời trông tròn vành vạnh.

Hoàng hôn gần Thánh đường Jama

Hoàng hôn gần Thánh đường Jama

Con đường tại Cổng Kashmiri

Con đường tại Cổng Kashmiri

Vấn đề của Delhi, có lẽ là điều tệ nhất mình mắc phải, là việc tìm một con đường rõ ràng, không bị quấy nhiễu từ điểm A tới điểm B. Dường như không có tuyến đường thẳng nào nếu xem trên Google Maps mà chỉ toàn là những lối đi quanh co. Khi bước theo những lối này, bạn cần phải lách qua biển người và xe cộ, đôi khi là rác, đôi khi là phân súc vật. Dù trông hai điểm có vẻ gần nhau về mặt địa lý đấy, chúng vẫn xa vời vợi.

Cây cầu bộ hành chìm trong khói mù

Cây cầu bộ hành chìm trong khói mù

Nhà ga New Delhi

Nhà ga New Delhi

Có vẻ mình đã lạc vào trong mê cung của nhà ga trung tâm: có lẽ đó là cảnh hiếm hoi mình chẳng muốn bấm nút chụp hình nữa. Càng khó hơn để tưởng tượng sự hỗn loạn của khung cảnh đúng một năm trước đó, khi làn sóng dịch Delta càn quét.

Nhưng ít ra thì vụ thu hoạch ảnh phố đêm khi đi bộ trên đường Desh Bandhu Gupta cũng là một phần thưởng khuyến khích lớn lao rồi.

Cảnh phố đêm trên đường Desh Bandhu Gupta Cảnh phố đêm trên đường Desh Bandhu Gupta
Cảnh phố đêm trên đường Desh Bandhu Gupta

Chỉ khi mình tới khách sạn rồi, lấy một ly trà thảo mộc và nhanh chân chạy về phòng, mình mới có thể tìm thấy bình yên. Nhưng kể cả lúc nửa đêm, những âm thanh còi xe trật nhịp vẫn có thể xuyên qua khung cửa đóng.

Chawri Bazar như trong phim

Đi ra ngoài loanh quanh

Vào ngày cuối của chuyến du lịch Ấn Độ, mình lên kế hoạch ghé thăm Akshardham, một ngôi đền Hindu giáo hiện đại được giới thiệu bởi cặp đôi hồi ở Pangong. Lại là một lần trật lất nữa, vì nó chỉ mở từ 10 giờ sáng. Trong cái buổi sáng nóng nực hôm đó, không có chỗ cho việc chờ đợi, nên mình đi thẳng về để tìm một trung tâm y tế có test COVID trước chuyến bay.

Sân ga Rajiv Chowk

Sân ga Rajiv Chowk

Akshardham từ đằng xa

Akshardham từ đằng xa

Nó khiến mình phát bực vì chỉ cần test nhanh COVID đơn giản thôi mà đã lắm rắc rối (chỉ có PCR, mà bạn còn phải chờ), do đó mình đi đến việc sẽ test ở sân bay, và cầu mong kết quả trả về kịp giờ. Mình dành chút thời gian còn lại để đi bộ qua những nơi ngẫu nhiên ở New Delhi, và để thăm Quảng trường Connaught thêm lần nữa. Việc đi dạo thì dễ hơn nhiều khi trên những con đường được quy hoạch chỉn chu dẫn về các văn phòng đầu não của Ấn Độ, như đường Janpath hay Sansad Marg.

Những con đường quanh Quảng trường Connaught Những con đường quanh Quảng trường Connaught
Những con đường quanh Quảng trường Connaught
Những góc duyên dáng ẩn khuất Những góc duyên dáng ẩn khuất
Những góc duyên dáng ẩn khuất

Thường xuyên bị tiếp cận bởi những người chỉ chầu chực scam và dụ dỗ giả danh hướng dẫn viên du lịch, tài xế và người qua đường thân thiện, lựa chọn tốt nhất và ít nguy hiểm nhất để về nhà an toàn là trở về khách sạn và giết thời gian trước khi đi sớm tới sân bay.

Tuyến đường sắt cao tốc sân bay Delhi
Tuyến đường sắt cao tốc sân bay Delhi

Một khi đã vào trong sảnh đi của sân bay, bạn sẽ không ra ngoài được, đây là một biện pháp an ninh ngu ngốc. Lời khuyên chót của mình: đừng đến sân bay quá sớm. Thậm chí sau khi đã vào rồi, cả một hàng dài chờ kiểm soát hải quan đang chào đón mình, còn cái nóng và bụi có vẻ cũng lọt vào trong được. Cuối cùng thì, yên vị trên ghế máy bay sau hàng loạt sự cố cho ta một cảm giác thật kỳ diệu.

Và tạm biệt Ấn Độ, quả là một chuyến tàu lượn siêu tốc khó quên.

Chuyến xe lôi

Bình luận

Đi tới Album Flickr

Bài viết này là một phần của series Ấn Độ.

Viết vào tháng 4 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.

Về chiếc page này

Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.

Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.

Theo dõi mình trên
Ngôn ngữ khả dụng
EnglishTiếng Việt

Trùng hợp thay, mình viết bài này trong một ngày nắng nóng, giống hồi mình đặt chân xuống thành phố này.