Qua những biến động thăng trầm, hoang tàn đổ nát và tái thiết, thành phố này vẫn hiên ngang đứng đó và là nguồn cảm hứng cho lịch sử văn minh loài người.
Đến thăm Acropolis vào một ngày mây cuộn tròn sẽ khiến bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé. Hãy tưởng tượng xem tuyệt tác kiến trúc này đồ sộ đến thế nào vào thời điểm nó được xây dựng.
Một năm sau chuyến đi Nhật Bản, mình bay tới Hy Lạp cũng lại vào tháng 5 kỳ diệu. Nếu phải so sánh với các lần du lịch khác vào những năm sau này, việc chuẩn bị và thực hiện vào thời điểm đó còn cập rập nên có thể fail đôi chỗ. Nhưng nếu không nhờ những chuyến đi định hình như Hy Lạp, nơi mà mình cầm chiếc DSLR để bắt những tấm hình đẹp đẽ lần đầu tiên trong đời mà tới giờ vẫn thích, sẽ không có mình của ngày hôm nay.
Mình đến Athens sau một chuyến bay mệt nhoài từ Singapore quá cảnh tại Istanbul. Đấy là lúc Hy Lạp đang trong thời kỳ khủng hoảng nợ đang làm xấu bộ mặt quốc gia này đối với du khách, nhưng cuối cùng thì chẳng có gì là tiếc nuối về chuyến hành trình kỳ khôi này.
Mình ở một nhà nghỉ gần quảng trường Omonoia chỉ cách đồi Acropolis vài trạm tàu điện. Có một vài cách để bạn có thể đi lên đồi, và tin mình đi, chúng khá dễ đấy: từ trạm Thissio (tây bắc Acropolis) hay từ trạm Acropoli (nam Acropolis). Từ hướng nào thì bạn cũng có thể tìm ra đường để tới cổng quần thể di tích là Propylaea.
Khi mình bắt đầu đi bộ từ trạm Acropoli, những nơi đáng lưu ý theo thứ tự tham quan gồm có Nhà hát Dionysus, tiếp theo là Nhà hát Herodes Atticus, rồi lên tới Propylaea và Đền thờ Athena Nike, cuối cùng là Đền Parthenon cũng như Đền Erechtheion ở trên đỉnh đồi.
Được xây dựng và tái thiết nhiều lần, bị tàn phá hư hỏng bởi hỏa hoạn và chiến tranh, trải qua những gian đoạn Cổ đại (Archaic), Cổ điển (Classical), Hy Lạp mở rộng (Hellenistic), La Mã, Byzantine và Ottoman, lúc thì là đền thờ, lúc là nhà thờ Thiên Chúa, đền thờ Hồi Giáo, cả pháo đài và trụ sở chính quyền, khu di tích này mang trong mình cả một thiên biến động lịch sử mà vẫn có những đặc trưng không thể nhầm lẫn của Hy Lạp cổ đại tráng lệ.
Từ cao điểm này, bạn có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh Athens.
Và không thể bỏ lỡ cảnh hoàng hôn tráng lệ, đặc biệt nhất là khi tia nắng cuối ngày xuyên qua những hàng cột cổ đại.
Bạn hãy ôm lấy khoảnh khắc khiến bạn quay ngược về 2000 năm trước, vì bạn chẳng mấy khi có cơ hội như thế. Bạn đang đứng trên những bậc đá mà những tiền nhân cũng đã từng đứng ở đó.
Đừng quên lang thang dọc phố Plaka, một khu dân cư xinh xắn với những quán xá và tiệm cà phê mở tới khuya. Thưởng thức một ngụm ouzo - thứ rượu khai vị bản địa nổi tiếng, rồi ăn một miếng bánh kẹp thịt gyros to oành hay là món thịt xiên souvlaki rưới nước sốt tzatziki.
Nếu phải so sánh trên từng khía cạnh với đồi Acropolis, ta sẽ chẳng thấy điểm nào tương đồng từ Plaka. Đơn giản chỉ như là một cô gái nhà bên mà bạn có thể nhắm mắt lại để cảm nhận bằng những thanh âm và mùi hương.
Mình còn nhớ giai điệu tuyệt đẹp từ một người nghệ sĩ violin đường phố già còn vang vọng trong không gian hoàng hôn ấy, mình còn nhớ tiếng lanh canh từ những cái thìa nĩa mỗi khi món pasta hải sản Địa Trung Hải được bày ra.
Athens rõ ràng là không gói gọn trong phạm vi Acropolis: đi xa hơn bạn sẽ có cơ hội khám phá những di tích lịch sử quan trọng không kém của thành phố.
Đi về phía đông Acropolis, hoặc từ trạm tàu điện Acropoli, Đền Olympieion là một di chỉ quan trọng đối với Athens và Hy Lạp. Đây từng là đền thờ vĩ đại nhất Hy Lạp và giờ vẫn còn đó tàn tích của 16 cột trụ khổng lồ (trong tổng số 104) gây trầm trồ đối với du khách.
Cũng không thể quên chụp ảnh Vòm Hadrian về phía tây của di tích, nơi nằm trên bức tường ngăn cách giữa vùng thành cổ đại và những khu vực mới hơn của Athens.
Không xa những ngôi đền trên là Sân vận động Panathenaic, được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ IV trước Công Nguyên, và trong thời kỳ hiện đại nó là nơi tổ chức nhiều sự kiện Olympic, đặc biệt là điểm đích đến của cuộc thi marathon.
Hãy nhớ mang theo kính râm, vì đá cẩm thạch rất là chói lóa!
Nếu bạn muốn được quan sát đồi Acropolis kiêu hãnh trên nền biển xanh phía Pireaus, bạn có thể tốn một tí thời gian đổ mồ hôi để leo ngọn đồi này. Hành trình cũng khá dễ chịu, dốc không quá đứng, mà một khi đã lên đỉnh, bạn có thể thấy trọn vẹn khung cảnh thành phố trong tầm mắt. Dĩ nhiên bạn có thể chọn cách dễ dàng hơn là đi cáp treo, chỉ mất có 3 phút thôi.
Nếu bạn đã chuẩn bị hành trình tới những hòn đảo của Hy Lạp, ghé thăm Cảng Pireaus sẽ khá giúp ích cho bạn, bởi vì nó là cảng chính và lớn nhất của thành phố cũng như của đất nước này. Điểm thu hút chính là sự nhộn nhịp đến từ những con tàu hoành tráng cập cảng và rời bến, trên nền trời xanh tự do đặc trưng.
Điều đó có điên rồ không khi nơi châu Âu mình đặt chân lên lần đầu tiên lại là Athens? Hoàn toàn không, bởi vì chính cái tên Europa đã xuất phát từ thần thoại Hy Lạp rồi, và những nền móng văn hóa châu Âu cũng được xây từ những viên gạch của nền văn minh Hy Lạp. Câu chuyện của mình về hành trình Athens tuyệt vời này có lẽ sẽ được mình kể hoài.
Bài viết này là một phần của series Hy Lạp.
Viết vào tháng 1 năm 2020 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Candy” bởi Red Velvet
Mình không lăn tăn gì cả khi đăng lên đây bài hát mình replay liên tục trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi và tập tành với chiếc máy ảnh DSLR đầu tiên vào tháng 3, 2015. Xin giới thiệu Candy bởi Red Velvet.