Không phải là Chiang Mai nhộn nhịp vào dịp Loy Krathong cuối năm, thành phố sẽ mang một vẻ trầm mặc khó bị nhầm lẫn.
Nhìn thứ nắng chiều ngọt của mùa khô ôm phía sau mái đền, ta nhận ra giây phút đẹp nhất là điều ta phải chờ đợi mới có, chứ nó không xuất hiện ngay giây tiếp theo của cuộc đời này.
Vào thời điểm viết bài này, mình đang đọc cuốn Ký họa Venice, thật vui, thật thích. Chẳng mấy khi bạn thực sự cảm thấy những điều bạn được biết qua một chuyến đi trong quá khứ lại giúp bạn dính keo với một quyển sách như vậy.
Mình hạ cánh tại Chiang Mai (เชียงใหม่ / ᨩ᩠ᨿᨦᩉ᩠ᨾᩲ᩵) trong một buổi chiều oi nồng vào mùa khô xứ Đông Nam Á. Chẳng phải là mùa hè của cát trắng hay biển xanh, mà là mùa khô - một thời điểm không quá thích hợp cho việc đi du lịch; lý do là lúc đó mình có tấm vé hoàn tiền của hãng do năm ngoái một chuyến bay khác bị hủy.
Mình đặt phòng ở khách sạn Lotus Pang Suan Kaew, nơi vẫn thấp thoáng nét lộng lẫy của một thời hoàng kim với những hành lang rộng và dài thăm thẳm, những họa tiết trang trí Lan Na, với đầy đủ các tiện ích nhà hàng, hội nghị, phòng tập, hồ bơi, tuy nhìn từ bên ngoài nó mang một nét cổ xưa trông có vẻ như bị bỏ hoang pha chút rùng rợn vậy.
Sau khi sửa soạn và cố nán lại trong phòng máy lạnh thì mình cũng phải xuất phát dưới cái nắng 38-39°C lúc đã gần 4 giờ chiều. Có lẽ loài hoa giấy sẽ nở đẹp nhất trong cái tiết trời này. Ở dưới những tán cây khô héo và đóng bụi phờ phạc là mấy chú bán kem dễ thương, thật không ngờ là họ biết tiếng Việt và tính giá bằng tiền Việt cũng được luôn.
Đặc trưng đường phố Thái Lan là những chiếc xe tuk-tuk, thứ xe lôi máy xóc hết cả hông. Nếu biết trước là loại xe này hét giá quá cao thì mình đã thủ sẵn Grab taxi rồi. Dùng Grab để đặt taxi ở Chiang Mai rất tiện lợi và nhanh chóng, có điều bạn phải trả tiền mặt vì phương tiện giao dịch nước ngoài có vẻ không dùng được ở Thái.
Mây đen bắt đầu phủ kín bầu trời, nhưng không khí vẫn oi nồng, tạo nên thứ thời tiết quá ngưỡng chịu đựng.
Địa điểm mình hướng tới đầu tiên là Wat Chedi Luang (วัดเจดีย์หลวง), ngôi chùa tháp nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Sau một hồi đi bộ mò đường thì cũng tìm ra được ngọn tháp đá cổ kính vươn cao.
Vào thời điểm này Chiang Mai rực rỡ sắc vàng của hoa muồng hoàng yến (bò cạp vàng), thứ quốc hoa của Thái Lan, tiếng Thái gọi là ratchaphruek. Đây là loài hoa nở rộ vào mùa khô, với sắc vàng đặc trưng của Phật giáo và là biểu tượng của sự hòa hợp.
Khi mà kim đồng hồ dần tiến về khoảnh khắc hoàng hôn, mình rảo bước về phía tây trong cái nắng chiều vàng rực để đến Wat Phra Singh Woramahawihan (วัดพระสิงห์วรมหาวิหาร). Ngôi chùa tháp này cũng được xây vào thế kỷ XIV, với những trang trí chạm trổ tinh xảo cho ta thấy một thời huy hoàng của nghệ thuật Lan Na. Tại đây vẫn còn lưu trữ những ghi chép và tượng Phật đã tồn tại hàng trăm năm.
Mua vé vào cửa bạn sẽ được khuyến mãi thêm chai nước nữa, nếu bắt gặp một vị sư thầy, bạn sẽ được ngài chào đón bằng tiếng Anh thật niềm nở.
Vì chùa hướng về phía đông nên khi chụp ảnh, bạn sẽ được thấy cảnh mặt trời lặn rực rỡ làm nền cho những tấm hình.
Và tán hoa giấy trắng trong trẻo hiện lên giữa ánh sáng cuối ngày. Những vị sư thầy mặc áo cam, từ tốn, chậm rãi đang chuẩn bị cho giờ lễ.
Trời đã chập tối và mình ghé quầy nước trái cây để giải khát, rồi lại ghé quán ăn tom yum chua thanh, đó là những thứ có thể xua đi cơn nóng trong người. Xong rồi thì ta dạo bước xuôi dốc về phía hoàng hôn để về khách sạn, nơi rặng núi in dấu ở chân trời xa. Đó là một cảm giác khó tả, vì con đường thật rộng nhưng yên bình, thưa người quá; thành phố này quả đúng là dành cho những người muốn du mục để xa lánh sự bon chen, nhưng nó vẫn đủ tiện nghi của thời hiện đại.
Buổi sáng ngày thứ hai ở Chiang Mai tràn ngập thứ sương mờ của xứ nóng.
Mình lên tuk-tuk để tới sở thú Chiang Mai, nơi chờ sẵn những chiếc xe songthaew (xe tải đỏ), loại phương tiện giao thông đặc trưng của Chiang Mai. Vào thời điểm này không có vị du khách nào để share chỗ cả, nên mình đành kỳ kèo giá cho chuyến đi full tour tới Doi Pui và Doi Suthep luôn.
Chuyến xe chỉ có một người ngồi trong thùng xe, nhìn về sau nơi con đường đèo quanh co và những rặng cây chạy nhanh về hướng xa. Không khí trở nên mát mẻ khi xe dần lên cao. Khi tới Doi Pui, ta sẽ đứng ở độ cao 1.685m.
Đường đèo ở đây khá đẹp lại vắng nữa, nên mình nghĩ thuê xe máy ở Chiang Mai rồi lượn lờ thành phố sẽ hợp lý hơn.
Làng người Hmong cũng giống mấy làng du lịch ở Tây Bắc, nghĩa là cũng mang tính du lịch, với các cửa hàng bán trang phục, đồ lưu niệm, các dịch vụ giải trí nho nhỏ như bắn nỏ, bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, giá ở đây khá rẻ và không có hiện tượng trẻ nhỏ ùa ra vòi tiền cho lắm.
Đồi không có quá nhiều thứ để thăm thú, được điểm không khí mát mẻ tránh xa cái nóng Chiang Mai, hoa cũng tươi tắn hơn. Thực ra thì ngay như ở Chiang Mai cũng không thể so về sự đông đúc với các thành phố biển miền nam Thái Lan, nên khách thăm làng lại càng ít hơn.
Mình lại lên xe để tài xế đưa xuống núi thăm chùa Wat Phra That Doi Suthep (วัดพระธาตุดอยสุเทพ). Ở độ cao 1.073m và giữa trưa nắng, mình đã có thể cảm nhận hơi nóng bắt đầu tăng dần.
Đây là khu tổ hợp các đền tháp được trang trí dát vàng, một màu vàng óng chói lóa giữa ban trưa, nhưng nó cũng không thiếu bóng mát từ những cây sala trĩu hoa trĩu quả. Vào khu chính điện, bạn được yêu cầu cởi giày dép, nên vớ tất sẽ giúp chân bạn không bị bỏng rát khi đi trên sàn gạch lúc trưa nắng.
Thăm thú đủ rồi, mình tìm một chỗ bán smoothie giải khát khá ngon trong chùa, rồi ăn trưa tạm ở đây, giá đồ ăn thì lại khá chát.
Đã đến lúc phải xuống núi, lúc này mặt trời đã trên đỉnh đầu, ngồi trên songthaew không máy lạnh mới thực sự cảm giác được cái nóng phờ phạc không nói nên lời, trong đầu chỉ mau mau lo đi thật lẹ về để trốn trong cái khách sạn cổ kính ma mị nhưng mát mẻ ấy.
Tới ngả chiều mình lại lên tuk-tuk, và lần này đích đến sẽ là Wat Sri Suphan (วัดศรีสุพรรณ), ngôi chùa nằm ngoài tường thành mà mình nghĩ là đẹp nhất trong hàng tá ngôi chùa mình đến hoặc lướt qua trong thành phố này. Tất nhiên danh xưng ‘chùa bạc’ cũng chỉ mới có gần đây kể từ khi điện phong chức (ubosot - อุโบสถ) dát bạc - nhôm được xây xong năm 2016, mặc dù chùa được thành lập từ những năm 1500.
Các chi tiết mặt tiền được chạm trổ rất tinh xảo, vì chùa là để thờ nghề thợ bạc ở Chiang Mai mà.
Ở trong điện phong chức thậm chí còn tráng lệ hơn, nhưng con gái sẽ không được phép vào bên trong vì những lý do tâm linh.
Tại sân điện bạn sẽ bắt gặp những hình tượng quen thuộc của Thái Lan, như tượng thần Hindu đầu voi Phra Pikanet, hay là tay vịn cầu thang hình vị thần bảo hộ Naga đầu người thân rắn.
Tất nhiên điều đẹp nhất đọng lại, là cảnh tòa tháp sừng sững trên nền hoàng hôn.
Cách không xa Wat Sri Suphan là phố đi bộ Wua Lai (ถนนคนเดินวัวลาย). Vào lúc này mây đen kéo về, chuẩn bị có một cơn mưa sau những ngày oi bức, mặc dù té ra chỉ là một cơn mưa bé xíu.
Mình lang thang dọc con phố đông đúc, ở đây các quầy hàng sẽ mở từ 5 giờ chiều, bán các loại đặc sản snack như bánh waffle, súp tiết canh, xôi xoài hay đồ lưu niệm và quần áo.
Ánh đèn rực rỡ tỏa ra từ các quầy hàng khi màn đêm bắt đầu hạ, chúng thật ấm áp và thân quen, dù ta đang thất thểu giữa cái chốn này.
Nếu cứ đi bộ hoài hoài mình sẽ không tìm được cái tuk-tuk nào để về, nhưng may mắn thay mình đã nghĩ ra cách bắt Grab, và mọi chuyện hóa ra trở nên dễ dàng và giá rẻ vượt xa mong đợi; bởi vậy mà mình mới ước gì đã xài Grab ngay từ đầu thay vì phải kỳ kèo giá với tài xế tuk-tuk.
Mặt trời bình minh dần lên tròn vành vạnh giữa lớp sương sớm. Hôm nay mình sẽ đi kiểu dạo chơi mà không cố định đích đến, vì đã là buổi sáng cuối ở đây rồi.
Mình bắt Grab băng ngang hết thành để tới đầu bên kia gần sông Ping (แม่น้ำปิง), nơi có khu Phố Tàu. Tài xế rất niềm nở và hướng dẫn thật tận tình.
Phố Tàu nổi bật với những tấm pa-nô đỏ rực đặc trưng, nhưng vào bên trong lúc sáng sớm cũng không nhộn nhịp mấy.
Mình tản bộ qua cây cầu bắc ngang sông Ping. Tại một nơi có tầm nhìn rộng mở, có nước non thì thật thích, thật thư thả. Sông Ping lúc này hãy còn là đoạn thượng nguồn nên nước trôi chầm chậm, mặt sông còn bé, nhưng sau này nó sẽ hợp lưu với sông Nan để thành sông Chao Phraya nổi tiếng đổ ra biển tại Bangkok.
Cuối cùng ta lại đi ngược về phía thành, nơi có cổng thành Tha Phae (ประตูท่าแพ) xây từ thế kỷ XIII. Đây là một địa điểm náo nhiệt và tấp nập hơn hẳn những nơi mình từng ghé qua. Ở đây có rất nhiều chim bồ câu nên sẽ có người làm dịch vụ xua chim để chúng bay làm nền cho du khách chụp ảnh. Mình nghĩ tuy bồ câu nhiều nhưng chắc vẫn chưa bằng ở Yangon đâu.
Đoạn đường cuối cùng mình đi là dọc dòng kênh bao phía đông thành. Những hàng cây xanh, những ngọn hoa súng, những bóng mát của một ngày bình thường.
Đó có lẽ là những giây phút cuối cùng của một kỷ niệm trong cuộc đời này, mà dù gì cũng khó có thể quên được nó.
Bài viết này là một phần của series Thái Lan.
Viết vào tháng 8 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Chạy Khỏi Thế Giới Này” bởi Da LAB × Phương Ly
Trong căn phòng cổ điển, cách xa khỏi thứ nắng nóng của mùa khô nhiệt đới, âm thanh của Da LAB vang lên, và nó cứ mãi luẩn quẩn trong đầu vì một mối duyên không thành.