Từ con đường đèo tuyết phủ đi xuống thung lũng của những đụn cát.
Đoàn lạc đà dẫn người cưỡi chúng về phía chân trời, cho đến khi tất thảy chỉ còn là những chấm tròn di động chậm rãi.
Mình thức dậy sớm vào ngày thứ hai ở Ladakh để chuẩn bị cho màn thử thách đầu tiên - đèo Khardung. Dorjey sẽ là tài xế đi cùng mình trong những ngày dài sắp tới, nhưng mình cần chờ anh ấy đi lấy tờ giấy Inner Line Permit đã. Đó quả là một bước đi sai lầm khi mình đã không mua thẻ SIM, vì nếu được lên mạng bạn sẽ đỡ chán chường hơn trên chuyến đi không mấy thoải mái này, còn các khách sạn hay điểm dừng chân tiếp theo còn chả có wifi nữa.
Sau nửa tiếng, chiếc xe đã dần leo lên núi, những mảng xanh giờ đã được thế chỗ bởi địa hình đá nâu.
Thật thú vị khi quan sát những chiếc xe phía sau cũng đang chạy lên theo đúng đường cong mà xe mình đã vẽ qua.
Khi những ngôi nhà dưới chân núi trở nên bé tẹo, những đỉnh núi tuyết thì đang ở ngay trước mặt, bạn sắp sửa trải nghiệm sự thay đổi trong phong cảnh cũng như môi trường xung quanh. Không còn cây cối nữa mà chỉ còn thảo nguyên, và sự thiếu oxy bắt đầu tác động lên cơ thể bạn. Địa điểm đánh dấu sự xuất hiện thay đổi đó là Nam Pullu. Lúc này đây mình có thể nhìn thấy những chú bò Tây Tạng huyền thoại đang ăn trên những đồng cỏ rêu ở độ cao 4000m.
Cũng nhờ sự bền bỉ và chăm chỉ của con người mà chúng ta có cơ hội được chứng kiến tuyệt tác xây dựng này trong một điều kiện khắc nghiệt đến thế.
Cuối cùng xe chúng mình cũng lên tới đỉnh đèo Khardung ở độ cao 5359m. Nơi đây có tuyết phủ vĩnh cửu và đang trong thời tiết âm u. Mặc cho điều kiện khắc nghiệt, nó là một điểm check-in ưa thích khi mọi người tới Ladakh. Mình không quá hứng thú mấy chỗ đông người vả lại không khí thiếu oxy cũng gây tác động lên tim mạch nên xe chúng mình lựa chọn đi tiếp.
Sau khi đã xuống đỉnh, xe ghé tại một quán để nghỉ ngơi uống trà. Hội chứng sốc độ cao chính thức bắt đầu với những cơn đau đầu và buồn ngủ liên miên, khiến cho chặng đường khám phá thiên nhiên này có phần khó khăn thêm đôi chút.
Chúng mình tiếp tục hành trình về Nubra vào buổi chiều, bắt đầu từ Bắc Pullu, điểm mút cuối của đèo Khardung. Khi xe đang chạy xuống đèo, bầu trời quang trở lại làm hiện lên phong cảnh hoành tráng với những khối núi đá màu vàng giòn, nhưng con người thì lại chẳng thấy đâu.
Đây đúng là định nghĩa của sa mạc lạnh với thứ địa hình đầy điên rồ, và càng điên rồ hơn khi có những thị trấn mọc lên ngẫu nhiên giữa nơi hoang vu. Trong những khoảnh khắc ấy thì mình sẽ không thể bỏ lỡ bất kỳ pha bấm máy nào.
Khi xe tiến gần hơn về phía Nubra, cảnh thung lũng xanh tươi cạnh sông Shyok xuất hiện. Hóa ra chúng mình nhớ như chưa từng được nhớ thứ màu xanh thân thiện biểu tượng cho sự sống này.
Chúng mình lại dừng nghỉ để uống trà ở Khalsar, một thị trấn nhỏ dưới chân đèo Khardung bên dòng sông Shyok, trước khi lại tiếp tục đi Diskit - thủ phủ của Nubra.
Việc băng qua lòng sông cát bằng phẳng thật nhẹ nhàng nếu so với chuyện đi đường đèo gập ghềnh. Góc nhìn được mở rộng hết cỡ cho chúng ta thấy được cái cảm giác mênh mang của thiên nhiên.
Địa điểm đầu tiên mình đặt chân ở Nubra là Diskit, nơi có Tu viện Diskit, cũng là một thị trấn lớn ở Ladakh.
Chúng mình đến thăm photong, còn được biết đến là chỗ ở chính thức của vị lạt ma đứng đầu Nubra, nơi có bức tượng Phật Di Lặc (Maitreya Buddha) cao 33m, đứng ở đây có thể trông ra được toàn cảnh thị trấn. Trong điều kiện bình thường, leo lên đây sẽ không tốn sức lắm, nhưng mình phải dốc hết năng lượng để có thể thực hiện cái việc đơn giản này, khi đến nơi rồi thì thở hổn hển.
Mình nhớ giây phút đi bên trong chánh điện, xung quanh là cả một không gian tĩnh lặng trang nghiêm.
Sau đó xe đi tiếp về tu viện chính nằm cheo leo trên vách đá, nơi từ photong cũng có thể trông thấy. Nó rất đáng để bạn trèo tất cả các lầu khám phá mọi ngóc ngách nơi đây, hấp thụ cái cảm giác yên bình tĩnh lặng vào bên trong tâm hồn chúng ta.
Để đến Hunder nằm về phía bắc Diskit, xe chúng mình tiếp tục di chuyển trên cao tốc Diskit - Turtok. Giờ đây những đụn cát đặc trưng đã là phong cảnh chủ đạo.
Đây là một nơi khá hút khách nên mình thấy có nhiều xe du lịch, xe hơi, xe bus đậu ở bến. Giờ thì mình có thể đi dạo tự do quanh những ngọn đồi cát, nhưng cuối ngày rồi nên sức lực cũng đã kiệt.
Ở đây bạn có thể cưỡi loài lạc đà Bactrian hai bướu hay lái xe ATV. Mấy tấm ảnh chụp người cưỡi lạc đà về phía chân trời cũng hơi bị sáo rỗng ước lệ, chúng xuất hiện khắp các mặt trang nếu bạn tìm kiếm thông tin về Nubra.
Điều mình ấn tượng hơn cả là một nhóm trẻ em đàn hát rong đã thu hút rất nhiều người đến nghe lúc đó. Tuy không hiểu lời nhưng những bài hát đó đã khích lệ động viên người du khách có phần mệt mỏi này.
Nhưng không có nghi ngờ nào rằng khoảnh khắc vàng đó là trăm lần có một, đặc biệt nó vốn để dành cho những cặp đôi đang yêu. Thật tệ khi phải ngắm nhìn nó một mình.
Đã đến lúc chập tối và mình cần trở về chỗ nghỉ ấm cúng cho đêm hôm đó, một khu lều trại ở Diskit.
Nubra thì khá lạnh so với Leh, còn chứng sốc độ cao thì nặng hơn khi mình đã đói và mệt. Không có nước nóng nên đây là ngày đầu tiên trong đời mình không đi tắm. Mình không bị cảm nhưng từ hôm ấy mũi của mình bị nghẹt hoài.
Tuy vậy, người chủ khu trại đã hỗ trợ rất nhiệt tình. Mình nhớ có mỗi mình là khách hôm đó nhưng vẫn được chào đón bằng một bữa tối thịnh soạn với cà ri và món gà tikka, sau 2 giờ đồng hồ chờ đợi với chiếc bụng rỗng. À còn chỗ duy nhất để bắt được sóng wifi là khu bếp, còn không thì ở trong lều mình sẽ chỉ ngước lên trần và run cầm cập.
Nghỉ ngơi cái đã để chuẩn bị cho Pangong ngoạn mục ở phía trước.
Bài viết này là một phần của series Ấn Độ.
Viết vào tháng 3 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Blue Spring” bởi tonun
Tuyết đã tan, đường đã thoáng, và chúng ta đến đó vào một ngày xuân khó quên.