Chiếc máy ảnh sẽ hóa thành cây cọ và bảng vẽ, vì thành phố này chính là một bức tranh.
Thật lộng lẫy làm sao cái thức xanh azzurro của bầu trời và làn nước được pha chế hòa trộn đến mức hoàn mỹ.
Hạ cánh tại Milan. Ngủ một giấc lẹ làng. Thức thật sớm. Chuyến tàu từ ga Trung tâm Milan đi ga Venezia Mestre khởi hành lúc 6:35 sáng.
Và mình đã tới Venezia Mestre (nhà nghỉ của mình ở đó) lúc 8:58 sáng. Đặt hành lý xuống và đi thôi! Venice ta đến đây!
Từ Venezia Mestre, để thực sự đến Venice mà mọi người biết (Centro Storico - trung tâm lịch sử của thành phố), bạn cần lên tàu lần nữa để đến ga Venezia Santa Lucia.
Hành lang đường thủy, thường được biết đến với cái tên kênh đào Lớn - Canal Grande, là ‘con đường’ chính của Venice với giao thông đông đúc nhất.
Bạn có thể khám phá Venice bằng việc đi bộ hay bằng tàu bè (ví dụ như vaporetto (bus đường thủy), taxi thủy, thuyền gondola), nhưng không phải bằng một loại xe có bánh nào cả.
Đến bận rộn và đông đúc với du khách như thế nhưng Venice vẫn là thành phố của sự êm đềm mà mình hằng tưởng tượng. Nó xứng đáng với danh hiệu thành phố đẹp nhất thế giới không phải bàn cãi.
Chắc chắn có một nơi mà không nhiếp ảnh gia nào có thể bỏ qua, đó là bến thuyền gondola (traghetto molo) gần Quảng trường Thánh Mark.
Mặt tiền những ngôi nhà Venice là sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau: từ Byzantine, Gothic, Phục Hưng cho đến Baroque. Chúng cùng tồn tại mà không đối lập nhau, cùng vẽ nên bức tranh hài hòa cho thành phố.
Không nghi ngờ gì khi góc nhìn về phía Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Maria Cứu Chữa (Basilica di Santa Maria della Salute) đẹp đẽ một cách khó cưỡng, nó xứng đáng là hình ảnh đại diện cho những tấm bưu thiếp gửi từ Venice.
Và một tấm ảnh hoàng hôn như mọi khi.
Nơi hội tụ của Venice chính là Quảng trường Thánh Mark - Piazza San Marco, ở đó gồm những địa điểm nổi bật sau: Vương cung Thánh đường Thánh Mark, Tháp chuông Thánh Mark và Cung điện Tổng trấn (Palazzo Ducale).
Quảng trường là nơi hiếm hoi ở Venice bạn cảm thấy không bị lạc trong mê cung những kênh đào và ngõ ngách, nơi bạn ngưỡng mộ sự hoành tráng của kiến trúc và đất trời cùng lúc. Hàng đoàn người ghé qua đây mỗi ngày nhưng chẳng có cảm giác chi là nực nội, kẹt cứng hay hỗn loạn, nếu so với những thắng cảnh châu Á.
Ngoại trừ tháp chuông, nơi mình phải xếp hàng khá lâu để lên được thang máy.
Khi so với Tháp chuông Giotto ở Florence, thang máy này giúp cho cuộc tham quan đỉnh tháp chỉ còn là chuyện nhỏ.
Chắc chắn vẻ đẹp chân thực của Venice nằm ở những góc phố như mê cung, nơi bạn bắt gặp các cửa hàng và quán ăn thanh lịch.
Mình nghĩ mình đã quên nhắc tới một vài chỗ xinh đẹp khác của Venice, nên…
Nhà thờ nằm trên hòn đảo cùng tên, nơi du khách có tầm quan sát hướng thẳng về Quảng trường Thánh Mark.
Venice không có nhiều giao lộ rộng rãi, nên nơi này - giao điểm của hai phố đi bộ là Giuseppe Garibaldi và Riva dei Sette Martiri - nhắc mình nhớ rằng đây vẫn là một đô thị bận rộn.
Con đường kéo dài từ Quảng trường Thánh Mark đến công viên Venice (Giardini della Biennale) là nơi đầu sóng ngọn gió của thành phố, nơi bạn có thể thấy hàng loạt cầu tàu với những chiếc phà, tàu và du thuyền neo đậu. Hãy ghi nhớ cái tên Arsenale (xưởng vũ khí) trên bản đồ, đó là nơi cần đến.
Và mình cảm thấy nơi đây giúp cho du khách cảm nhận được nét yên bình thực sự của Venice; trong ánh ban mai của mùa xuân, khung cảnh đó như thể bước ra từ một bức tranh.
Khi ở Venice, có những thứ bắt buộc phải thử như là húp trọn gelato và lên thuyền gondola, mặc dù chúng có vẻ bị thách giá.
Góc nhìn từ con thuyền gondola giúp bạn có cảm nhận khác về những dòng kênh và về thành phố này, đồng thời bạn sẽ nhận ra bản sắc của Venice - thứ mùi bùn ẩm ẩm nồng nồng. Người chèo thuyền thì có dáng điệu thật mạnh mẽ, nom như một pho tượng sống.
Thật may mắn khi mình đến Venice vào lúc không có triều lớn - thứ có thể gây nên tình trạng ngập lụt đã thành thương hiệu của thành phố. Màu ngọc lam của vùng đầm phá này cũng đương đẹp nhất luôn.
Venice khiến mình ngưỡng mộ vì việc xây dựng và sinh sống trên vùng đầm phá là câu chuyện không hề dễ dàng, khó hơn làm điều đó trên một hòn đảo bình thường. Khí hậu toàn cầu đang thay đổi, và chúng ta chẳng biết khi nào thành phố này vẫn còn có thể chiến đấu với mực nước biển ngày càng dâng lên, để mà tồn tại.
Từ Venice sẽ có vài tuyến bus thủy (vaporetto) đến hai hòn đảo lân cận là Murano và Burano. Burano - hòn đảo xa hơn - nổi tiếng nhờ những căn nhà sơn màu rực rỡ. Murano thì nổi tiếng về nghề làm thủy tinh: bạn có bao giờ nghe đến thứ thủy tinh Venice trứ danh? Nó gắn liền với Murano. Dù sao thì cả hai hòn đảo này đều tràn đầy sắc màu.
Nếu so với Venice bận rộn của chúng ta, Murano cho bạn cái cảm giác cả hòn đảo là của bạn. Đi dạo thong dong vòng quanh đảo và tận hưởng sự thanh bình nơi đây. Chuyến đi bộ cũng ít bị ngắt quãng như ở Venice nhờ những chiếc cầu bắc qua các hàng kênh.
Khi mình nói hòn đảo này không đông đúc, nó thực sự như vậy.
Thật tiếc là mình chỉ dành ra có hai ngày ở Venice. Còn nhiều thứ để tham quan hay để khám phá lần n: cứ mỗi khi bắt gặp một bức hình hay clip video về thành phố này, mình vẫn thấy chúng đầy mới mẻ, đầy mời gọi.
Và đây là lời chào tạm biệt thân thương đến Venice, tấm ảnh chụp Nhà thờ Thánh Maria và Thánh Donato - Basilica dei Santa Maria e San Donato.
Bài viết này là một phần của series Ý.
Viết vào tháng 4 năm 2019 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Yellow Light” bởi Tiffany
Mùa xuân đã tới. Trong ánh nắng ngọt ngào nhất, mình tản bộ vòng quanh Venezia và để cuộc đời này tự nó chậm trôi.